Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 3354
      Total visited : 150730697

      Điện mặt trời: Chững lại hay hết thời?

      04/07/2024 16:16 View Count: 9

      Không còn tình trạng hàng về tới đâu hết tới đó, mà thay vào đó, hàng tồn kho chất cao tới nóc, khiến nhiều người e ngại về tương lai của thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.

       

      Một dự án điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Hậu Giang.  Ảnh: Đức Thanh

       

      Chậm hay dừng?

      Câu hỏi “thị trường điện mặt trời chững lại hay đã hết thời?” được ông Lê Quang Vinh, đại diện kinh doanh sản phẩm năng lượng mặt trời của một doanh nghiệp nước ngoài đặt ra công khai trong tình cảnh kinh doanh ế ẩm hiện nay.

      “Chưa bao giờ, thị trường điện mặt trời ảm đạm như năm nay. Mọi năm, cứ tới tháng 6 là hàng về tới đâu hết tới đó, nhưng năm nay, tôi cảm nhận thị trường điện mặt trời của Việt Nam ảm đạm thực sự. Hàng về chất cao tới nóc kho, mà cả tháng 6 không có mấy ai hỏi tới”, ông Vinh nói.

      Đồng cảm với chia sẻ của ông Vinh, nhiều nhà đầu tư khác trong lĩnh vực điện mặt trời cũng thừa nhận tình trạng không có gì khả quan.

      “Điện mặt trời tại Việt Nam không còn được khuyến khích phát triển như trước, nhiều người đã bỏ đi làm lĩnh vực khác”, ông Nguyễn Bình, một nhà đầu tư trong lĩnh vực này nhận xét trước thực tế hiện nay.

      Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, không ít doanh nghiệp năng lượng tái tạo quy mô nhỏ nhắm tới làm điện mặt trời trên mái tại khu vực miền Nam cũng thừa nhận tình cảnh khó khăn, ế ẩm của mình hiện nay khi đơn hàng giảm sút mạnh.

      Nói về nguyên nhân, ông Vinh mạnh dạn cho rằng, tình trạng này do vẫn chưa ra chính sách rõ ràng và hướng dẫn cụ thể về hướng đi cho điện mặt trời. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư điện mặt trời cũng nhận ra có quá nhiều rủi ro trong chính sách phát triển điện mặt trời hiện tại, nên sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định.

      “Ở khía cạnh kinh tế, các nhà phát triển cũng nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi tỷ lệ yêu cầu chiết khấu ngày càng cao, dẫn tới Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) không còn hấp dẫn. Chưa kể, dòng tiền rẻ rót vào điện mặt trời tại Việt Nam đã giảm mạnh”, ông Vinh nhận xét.

      Trước đó, sự bùng nổ của làn sóng đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam đã khiến cho công suất điện mặt trời trong hệ thống điện tăng chóng mặt.

      Vào ngày 1/1/2021 - thời điểm chấm dứt quy định mua điện mặt trời với giá cố định, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW.

      Ở thời điểm hiện nay, công suất điện mặt trời tập trung là 8.949,9 MW và điện mặt trời mái nhà là 7.722,3 MW.

      Lúng túng đường đi

      Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII đề cập cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với điện mặt trời là 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236 MW và nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.

      Tuy nhiên, để phát triển được, cần phải có chính sách rõ ràng, nhất là sau các đơn thanh kiểm tra và khởi tố gần đây liên quan phát triển loại hình này.

      Hiện tại, trong số 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ có 8 dự án điện mặt trời tập trung với quy mô gần 600 MW, trong đó có 7 dự án đã thống nhất giá tạm theo Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành hồi đầu năm 2023.

      Tại Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 30/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, trình Chính phủ ký ban hành trong ngày 30/6/2024; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; dự thảo Nghị định quy định cơ chế phát triển dự án nhà máy khí sử dụng khí thiên nhiên, trình Chính phủ ban hành trước ngày 15/7/2024.

      Ngoài số dự án nói trên, chưa thấy có thêm bất cứ dự án điện mặt trời tập trung mới nào được nhắc tới.

      Nguyên nhân được cho là chưa có chính sách cụ thể cho các dự án mới, nằm ngoài diện chuyển tiếp, nên nhà đầu tư không biết tính toán thế nào.

      Với 2.600 MW điện mặt trời mái nhà được nhắc tới trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII ban hành ngày 1/4/2024 để phân bổ cho các địa phương theo hình thức tự sản, tự tiêu cũng gặp những phản ứng nhất định.

      Cụ thể, nếu chia đều cho 63 tỉnh, thành phố hiện nay, thì mỗi địa phương được phát triển khoảng 41 MW trong thời gian 6 năm (tới năm 2030) là một con số rất nhỏ.

      Chẳng hạn, TP.HCM - nơi được phân bổ phát triển 73 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu - cũng được cho là quá bé, bởi khả năng có thể phát triển tới 5.081 MWp và đã phát triển được 358,38 MWp.

      Với điều kiện của mình, TP.HCM đang đặt mục tiêu phát triển 748 MWp điện mặt trời mái nhà từ nay tới năm 2025 và tới năm 2030 là 1.505 MWp.

      TP.HCM thậm chí đã đề nghị Bộ Công thương cho cơ chế riêng để phát triển điện mặt trời trên mái nhà nhằm tận dụng lợi thế và phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

      Ở một khía cạnh khác, hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới chương trình mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn (DPPA) mà điện mặt trời là một thành tố.

      Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang tìm kiếm cơ hội từ DPPA cho hay, các dự án đã có, các dự án chuyển tiếp sẽ không nằm trong diện áp dụng DPPA.

      Ngoài ra, các khách hàng lớn đều muốn mua điện rẻ trong giờ cao điểm, nhưng năng lượng tái tạo như mặt trời lại phụ thuộc lớn vào thời tiết. Nếu không ký hợp đồng cam kết công suất và sản lượng với công ty điện lực thuộc EVN, khi thời tiết thay đổi, năng lượng tái tạo không sản xuất ra sản lượng điện như cam kết, thì nguồn nào sẽ bù đắp và chi phí bù đắp này ra sao là điều doanh nghiệp dùng điện lớn phải tính toán rõ ràng.

      Cũng quan tâm tới hình thức DPPA, ông Vinh cho hay, hiện tại, Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon và chứng chỉ I-REC (liên quan sản xuất năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời), nên phải bán lên sàn giao dịch ở nước ngoài.

      Vì thế, các doanh nghiệp sở hữu nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam dù bán điện cho các khách hàng lớn theo cơ chế DPPA, nhưng lại chưa chắc cung cấp được tín chí carbon/chứng chỉ I-REC để giúp khách hàng dùng điện chứng minh việc họ dùng điện sạch, góp phần giảm phát thải.

      “Khi còn những vấn đề chưa thông, thì khách hàng sẽ ngập ngừng, nên phát triển điện mặt trời để phục vụ DPPA cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, góp phần làm tăng tồn kho vật tư phục vụ sản xuất điện mặt trời”, ông Vinh nói.

      Thanh Hương
      Source: https://baodautu.vn/