Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 2593
      Total visited : 150720705

      4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo đầu tư tiền ảo, đa cấp, sàn chứng khoán ảo

      17/07/2024 07:50 View Count: 8

      Theo Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn như: cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng… khiến cho không ít nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn...

      Ảnh minh họa

      Ảnh minh họa

      Bộ Công an vừa phát hành cẩm nang, chỉ ra 4 dấu hiệu nhận biết, 3 cách phòng tránh và 6 việc cần làm nếu bị lừa đảo đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp.

      Trước xu thế đầu tư vào các hoạt động trực tuyến như chứng khoán, tiền ảo… của người dân tăng cao trong những năm gần đây, tội phạm lừa đảo qua mạng đẩy mạnh hoạt động thông qua hình thức này.

      Các đối tượng lừa đảo tạo lập các sàn chứng khoán, đa cấp, tiền ảo… một cách dễ dàng, sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn như: cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng… khiến cho không ít nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn.

      Hầu hết nạn nhân khi tham gia đầu tư đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản, đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại khoản lãi suất tương ứng nhằm mục đích đánh vào lòng tham.

      Sau khi thấy có thể kiếm được tiền từ các sàn này, nạn nhân được mời gọi đầu tư số tiền lớn hơn và lấy nhiều lý do để không thể rút được tiền ra mà phải đóng thêm nhiều khoản phí với cam kết sẽ được nhận lại toàn bộ cả tiền phí và tiền lãi ban đầu (hệ thống thanh toán lỗi, nhập sai nội dung giao dịch, sai tài khoản, cơ quan thuế nước ngoài điều tra…) hoặc khóa tài khoản, cho sập sàn giao dịch và cắt liên lạc với nạn nhân.

      4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo đầu tư tiền ảo, đa cấp, sàn chứng khoán ảo - Ảnh 1

      Bộ Công an cho biết có 4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp.

      Thứ nhất, các đối tượng thường chủ động tiếp cận với người dân để tìm cách giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao từ việc đầu tư này.

      Thứ hai, phương thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư.

      Thứ ba, các đối tượng tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân, lấy lý do ở nước ngoài, đi công tác... giả mạo định vị để tạo lòng tin. Chúng luôn đóng vai là người đầu tư cùng khiến nhiều nạn nhân dù đã nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào "người bạn" của mình nên tiếp tục chuyển tiền.

      Thứ tư, nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội có nhiều tài khoản ảo đóng vai "chuyên gia đọc lệnh", thành viên cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản ảo thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các "chuyên gia". Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc chuyển tiền, các tài khoản ảo liên tục thúc giục việc chuyển tiền để nhóm tiếp tục hoạt động.

      4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo đầu tư tiền ảo, đa cấp, sàn chứng khoán ảo - Ảnh 2

      Để phòng trách không bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng, cẩm nang của Bộ Công an khuyến cáo người dùng cần cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Người dân cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật, hoặc giả mạo của sàn đầu tư chính thống.

      Cùng với đó, nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó.

      Đặc biệt, chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư, nên đến trực tiếp văn phòng của các sàn giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.

      Theo cẩm nang của Bộ Công an, khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, người dân hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng internet hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Trình báo ngay sự việc đến cơ quan công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn hỗ trợ kịp thời; đồng thời liên hệ với ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.

      Người dùng cũng nên lưu lại tất cả thông tin như lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan công an khi trình báo.

      Cẩm nang cũng khuyến cáo người dùng cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử.

      Cùng với đó cần cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mà mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.

      Nhĩ Anh
      Source: https://vneconomy.vn/