Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 4118
      Total visited : 150772437

      Chính sách tài khoá vẫn là điểm tựa tổng cầu, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao

      19/04/2024 10:57 View Count: 13

      Các chuyên gia lưu ý suy giảm tổng cầu kéo dài có thể dẫn đến hạn chế tăng tổng cung và tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, chính sách tiền tệ cạn dư địa, chính sách tài khoá đang "lưỡng nan", dư địa kích thích tăng trưởng không còn lớn...

      Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024 cần dựa vào trọng cầu và chinh sách tài khoá giữ vai trò chủ công.

      Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024 cần dựa vào trọng cầu và chinh sách tài khoá giữ vai trò chủ công.

      Ngày 17/4 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp với Ban Kinh tế Trung Ương và Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và Triển vọng năm 2024", đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

      Hội thảo đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.

      TỔNG CẦU SỤT GIẢM, CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CHƯA CẢI THIỆN

      Phác hoạ lại bức tranh kinh tế năm vừa qua, GS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây, nhất là khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế do tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng.

      "Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện", ông Chương nhấn mạnh.

      Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập/chi tiêu của người dân…

      Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

      Nhấn mạnh về những thách thức, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu khiến nền kinh tế Việt Nam khó khăn, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.

      "Qua hơn 30 năm (giai đoạn 1991-2023), tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6,2%. Trong khi đó, Hàn Quốc trong 40 năm trung bình đạt khoảng 8%, Nhật Bản đạt khoảng 9,4%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ khó bứt phá và mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 gặp nhiều khó khăn".

      TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương.

      Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.

      Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).

      Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022; thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

      Số liệu của năm 2023 cho thấy, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

      Nhiều chuyên gia tại hội thảo bàn giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn trong năm 2024.

      Nhiều chuyên gia tại hội thảo bàn giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn trong năm 2024.

      "Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam", ông Hiển nêu rõ.

      Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

      Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.

      Còn theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại vào năm 2023, trong quý 1 dù phục hồi dần nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi không đồng đều vào đầu năm 2024.

      Bà Dorsati Madani cho rằng nền kinh tế Việt Nam đối diện rủi ro song cân bằng với triển vọng. Theo đó, rủi ro toàn cầu vẫn hiển hiện, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản trong nước và những tổn thương của khu vực tài chính chưa được xử lý. Dù vậy, cơ hội tăng trưởng đến từ sức cầu bên ngoài tăng, lãi suất toàn cầu giảm.

      Vì vậy, chuyên gia WB kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ bắt đầu được tăng cường từ nửa cuối năm 2024, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.

      CÂN ĐONG HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ VÀ TIỀN TỆ

      Phân tích về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng năm qua, đại diện nhóm nghiên cứu, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lưu ý hiệu lực của chính sách tiền tệ không cao đi kèm với dấu hiệu lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ đang suy giảm.

      Theo ông Thành, chính sách tiền tệ năm 2023 được coi là linh hoạt về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như 4 lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu, trong khi lãi suất cho vay giảm nhưng ở nhỏ hơn mức giảm của lãi suất huy động.

      Ông Thành phân tích rằng yếu tố cầu của nền kinh tế khó khăn nên hấp thụ vốn của các khu vực trong nền kinh tế suy giảm nhưng cũng phản ánh kênh truyền tải của chính sách tiền tệ chính là hệ thống tài chính tiền tệ còn nhiều điểm nghẽn, thể hiện qua ba điểm chính.

      Chính sách tài khoá vẫn là điểm tựa tổng cầu, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao - Ảnh 1

      Thứ nhất, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại dù nỗ lực cải thiện song bộ đệm an toàn vốn vẫn ở mức tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế và các quốc gia trong khu vực.

      Thứ hai, về chất lượng tài sản, do khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng nên tỷ lệ nợ xấu gia tăng ở hầu hết các nhóm nợ. Nợ nội bảng ở mức gần 5% phản ánh những khó khăn của nền kinh tế đang có dấu hiệu lây nhiễm sang khu vực tài chính tiền tệ.

      Thứ ba, sự mất cân đối về kỳ hạn là nút thắt lớn. Tiền gửi ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đang ở mức gần 50%. 

      Bên cạnh đó, thị trường vốn trong đó có thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán gặp nhiều vấn đề khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Nhu cầu vốn trung dài hạn tiếp tục đổ dồn gánh nặng vào hệ thống các ngân hàng thương mại, gây gia tăng hơn nữa rủi ro về kỳ hạn và thanh khoản.

      "Chính sách tài khoá đứng trước tình thế lưỡng nan, dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP thu hẹp song chúng ta vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ", ông Thành đánh giá.

      Chính sách tài khoá vẫn là điểm tựa tổng cầu, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao - Ảnh 2

      Những năm vừa qua, tính toán lại tỷ lệ bội chi ngân sách từ năm 2019 đến nay cho thấy thâm hụt ngân sách gia tăng dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Rõ ràng, dư địa chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng còn dư địa nhưng không quá lớn. 

      Cũng theo đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), Chính phủ sẽ phải dựa vào các chính sách trọng cầu, phục hồi nhanh chóng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

      Năm 2024, chinh sách tài khoá vẫn phải là chủ công và cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn; còn chính sách tiền tệ bổ trợ. 

      Bên cạnh đó, do đầu tư tư nhân hiện khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.

      Tuy nhiên, về dài hạn, nền kinh tế dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu và khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.

      Source: https://vneconomy.vn/