Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 4842
      Total visited : 150691609

      Nhận diện “nút thắt”, cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương

      13/06/2024 07:55 View Count: 16

      Sau một thời gian khá dài nằm trong nhóm những tỉnh dẫn đầu, năm 2023 nhiều chỉ số điều hành, quản trị địa phương (PGI, PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS…) của Bắc Ninh có sự sụt giảm về cả điểm và thứ hạng. Vấn đề đặt ra của tỉnh hiện nay chính là nhận diện rõ những “nút thắt” để cải thiện các chỉ số quản trị địa phương, nhằm nâng cao chất lượng điều hành tăng trưởng kinh tế.

      Từ kết quả thực tiễn và phân tích của các chuyên gia cho thấy bức tranh tổng thể và những nút thắt của các chỉ số này trong năm 2023. Đó là, về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), lần đầu tiên nằm ngoài nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất với 65,96 điểm, giảm 3,12 điểm so năm 2022. Trong đó, chỉ có 4 chỉ số thành phần tăng điểm, nhưng lại có tới 6 chỉ số giảm điểm. 6 chỉ số thành phần PCI có thứ hạng rất thấp, có 4/6 số chỉ số thành phần quan trọng bị giảm điểm là Tiếp cận đất đai (giảm 0,09); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 1,01); Cạnh tranh bình đẳng (giảm 1,02); Đào tạo lao động (giảm 1,06)
      Nếu chư Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh có xu hướng tăng điểm từ năm 2015 (đạt 6,82 điểm) đến năm 2018 (đạt 7,69 điểm), nhưng đến năm 2023 hạ xuống còn 6,51 điểm và đây là mức điểm thấp nhất trong giai đoạn 2015- 2023. Trong bối cảnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, chíp, AI, năng lượng tái tạo… đòi hỏi nguồn lực lao động chất lượng cao rất lớn, việc giảm Chỉ số Đào tạo lao động sẽ tác động tới thực hiện định hướng thu hút FDI.


      Hạ tầng KCN Yên Phong II-C được đầu tư đồng bộ. 

      Không chỉ ảnh hưởng đến xếp hạng chung của Chỉ số PCI, mà 4 chỉ số thành phần giảm điểm trên còn tác động đến Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI và Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Cụ thể, PGI giảm từ top 3 (năm 2022) xuống đứng thứ 21/30 tỉnh, thành phố có tổng điểm cao nhất (năm 2023); SIPAS năm 2023, Bắc Ninh đạt 77,40%, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tương tự, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Bắc Ninh đạt 84.61/100 điểm, bị trừ 15.39/100 điểm, đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, dù đã tăng 4 bậc so với năm 2022. Phân tích triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI theo địa phương, dữ liệu PCI-FDI của tỉnh Bắc Ninh năm 2023 cho thấy, có 23,50% doanh nghiệp FDI được hỏi đánh giá dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh (thấp hơn mức 31,70% năm 2022 và mức giá trị trung bình cả nước 27%).
      Tuy nhiên, năm 2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với 45,7047 điểm. Đây là một điểm sáng, dấu hiệu tích cực tác động đến sự khởi sắc của tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng trưởng dương 2,32%, thu hút FDI tăng gấp 2 lần về số dự án cấp mới, gấp 1,2 lần về số vốn đăng ký, đứng thứ 3 toàn quốc; thành lập mới doanh nghiệp tăng 6,5%; thu ngân sách vượt kế hoạch…


      Cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

       

      Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại từ thực tiễn, trên tinh thần “Bản lĩnh đột phá- Củng cố niềm tin- Nâng tầm cao mới”, năm 2024 Bắc Ninh đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các nỗ lực cải cách TTHC, cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức, tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như: Thuế, phòng cháy, BHXH, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường, đất đai… Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện trong việc tiếp cận nguồn lực để hoạt động, từ tiếp cận thông tin, miễn giảm thuế, tham gia đấu thầu mua sắm công…Giải quyết hiệu quả những khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo đảm tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp. Quyết tâm cao, đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thực thi chính sách.
      Tinh thần chỉ đạo này được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả để góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

      Thái Uyên
      Source: https://baobacninh.com.vn