Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 2755
      Total visited : 150737933

      Những vấn đề pháp lý về triển khai trái phiếu xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam: Thực trạng khuyến nghị

      06/06/2024 11:04 View Count: 10

      Những vấn đề pháp lý về triển khai trái phiếu xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam: Thực trạng khuyến nghị

      PGS, TS. Đào Thanh Bình Email: binh.daothanh@hust.edu.vn

      Nguyễn Thị Hà Vi, Email: vi.nth213493@sis.hust.edu.vn

      Đỗ Mai Linh, Email: linh.dm213213@sis.hust.edu.vn

      Nguyễn Đắc Thanh, Email: thanh.nd213548@sis.hust.edu.vn

      Hoàng Ngọc Ánh, Email: anh.hn213508@sis.hust.edu.vn

      Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

      Tóm tắt

      Là một công cụ tài chính quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu, trái phiếu xanh (TPX) đã thu hút sự quan tâm tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng khung pháp lý để phát triển thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích và so sánh thực trạng pháp lý TPX ở Việt Nam với các quốc gia khác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp và Hà Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khung pháp lý về TPX ở Việt Nam vẫn còn thiếu tính đồng bộ và cụ thể, gây khó khăn cho các tổ chức phát hành. Để vượt qua các thách thức pháp lý, cần có sự nỗ lực nhất quán từ phía Chính phủ và các bên liên quan bằng cách thống nhất định nghĩa, tinh chỉnh thủ tục và hỗ trợ cho doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển TPX ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

      ĐẶT VẤN ĐỀ

      TPX được nhìn nhận như một công cụ tài chính quan trọng trên thị trường vốn xanh, đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy xu hướng tăng trưởng bền vững. Bằng cách tạo ra một cơ chế huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, TPX giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp vào chính sách phát triển bền vững của các quốc gia trên toàn cầu. Do đó, các nước trên thế giới đều đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo ra một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của loại hình trái phiếu mới này.

      Cùng với sự phát triển của thế giới, tại Việt Nam, xu hướng đầu tư thị trường TPX cũng đang dần được hình thành, tạo động lực cho sự phát triển và sử dụng trái TPX để thu hút đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường. Giai đoạn 2018-2022, tại Việt Nam đã có tổng cộng 18 đợt phát hành TPX ra công chúng. Phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp (Vũ Mai Chi, Nguyễn Hồng Gấm, 2023). Tuy nhiên, giá trị phát hành của TPX so với quy mô thị trường TP Việt Nam là quá nhỏ và không đáng kể. Hệ thống các doanh nghiệp hầu như chưa tham gia huy động vốn trên thị trường TPX mà hầu hết các dự án phát hành TPX hiện nay đều được tài trợ bởi Chính phủ và chính quyền địa phương. Do vậy, để phát triển kinh tế bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần cải thiện và hoàn chỉnh khung pháp lý về TPX, có thể tham khảo từ kinh nghiệm của một số quốc gia dẫn đầu về loại hình trái phiếu này.

      CƠ SỞ LÝ THUYẾT

      Trái phiếu xanh

      TPX là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Nói cách khác, về mặt cấu trúc, TPX giống như trái phiếu thông thường, có đặc điểm tương đương và tuân theo các thủ tục phát hành giống nhau, nhưng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho nhiều loại dự án khí hậu và môi trường khác.

      Năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã công bố một báo cáo về hiện tượng nóng lên toàn cầu và hoạt động của con người, khiến nhiều quỹ hưu trí Thụy Điển đầu tư vào các sáng kiến ​​xanh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, Ngân hàng Thế giới lần đầu tiên phát hành TPX vào năm 2008. Kể từ đó, thị trường TPX ngày càng phát triển. Ngày nay, hơn 50 quốc gia đã phát hành TPX, trong đó Hoa Kỳ là nguồn phát hành TPX lớn nhất (Climate Bonds Initiative, 2020).

      Khung pháp lý về TPX

      Khung pháp lý cho TPX là tập hợp các quy định, hướng dẫn pháp lý được thiết lập để định hình và giám sát quá trình đăng ký, phát hành TPX và quản lý nguồn thu từ phát hành TPX cho các dự án bảo vệ môi trường. Theo tìm hiểu của nhóm tác giả, khung pháp lý cho TPX phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, bao gồm:

      (1) Định nghĩa, tiêu chuẩn về TPX;

      (2) Danh mục các dự án đủ điều kiện được tài trợ từ nguồn thu TPX;

      (3) Những quy định về đăng ký, nguyên tắc phát hành TPX;

      (4) Quy định trong quá trình phát hành, kiểm soát, quản lý TPX trên thị trường cho đến ngày đáo hạn;

      (5) Nguyên tắc yêu cầu tổ chức phát hành lập báo cáo minh bạch và công khai trong quá trình phát hành và sử dụng nguồn thu từ TPX;

      (6) Chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích tổ chức phát hành tham gia vào thị trường TPX trong bối cảnh đây là một thị trường mới lạ, đồng thời cũng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế đối với TPX.

      THỰC TRẠNG KHUNG PHÁP LÝ VỀ TPX CỦA VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

      Thực trạng khung pháp lý về TPX của Việt Nam

      TPX lần đầu tiên được nhắc tới trong Quyết định số 2183/QĐ-BTC, ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính, được định nghĩa là “là các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh”. Điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP, ngày 30/6/2018 của Chính phủ đã đưa ra khái niệm về TPX, nội dung đề án phát hành trái phiếu chính phủ xanh và điều kiện để phát hành.

      Quyết định số 1191/QĐ-TTg, ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường TPX để tạo điều kiện cho các chủ thể phát hành huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh” được coi như một công cụ đầu tư trực tiếp vào các dự án xanh.

      Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, đối với phát hành TPX, ngoài việc tuân thủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường theo phương án phát hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

      Khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, nguồn vốn thu được từ phát hành TPX phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm: a) Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường; b) Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất; c) Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon; d) Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đ) Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; e) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; g) Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường; h) Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải; i) Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; k) Dự án đầu tư khác theo quy định.

      Khoản 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định: “Chủ thể phát hành TPX phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành TPX cho nhà đầu tư”.

      Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 tiếp tục bổ sung chi tiết cho Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Thông tư 122/2020/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành vào cùng ngày cũng đã nêu ra hướng dẫn công bố thông tin sử dụng vốn từ phát hành TPX. Theo quy định tại Thông tư số 101/2021/TT-BTC, ngày 17/11/2021 của Bộ Tài chính, chủ thể phát hành và nhà đầu tư TPX được giảm 50% về đăng ký niêm yết, quản lý niêm yết, giao dịch, đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần, lưu ký chứng khoán. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã bổ sung thêm cho Luật Bảo vệ môi trường về các quy định phát hành TPX thông qua Điều 157, điều khoản riêng quy định về TPX.

      Khung pháp lý về TPX của một số quốc gia trên thế giới

      Trung Quốc

      Khái niệm tài chính xanh đã xuất hiện trong Luật Bảo vệ môi trường của Trung Quốc từ cuối thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 2015, Trung Quốc mới chính thức ban hành các văn bản liên quan đến TPX nói riêng (Nguyễn Thị Minh Châu, 2022). Từ đó tới nay, thị trường TPX của Trung Quốc đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chỉ tính riêng năm 2022, Trung Quốc đã phát hành lượng TPX lớn nhất thế giới với 85,4 tỷ USD. Trong đó, TPX doanh nghiệp chiếm khoảng 14% tổng lượng phát hành (Cao Yan và Shi Yu Guang, 2022).

      Trong quá trình hình thành và phát triển TPX, Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng khi xây dựng hệ thống ban hành “từ trên xuống”, tức là Chính phủ sẽ trực tiếp ban hành khung pháp lý hỗ trợ các tổ chức phát hành TPX. TPX doanh nghiệp được Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc giám sát và quản lý theo Luật Chứng khoán 2019, cùng Hướng dẫn hỗ trợ TPX và các quy định liên quan khác. Bên cạnh đó, Danh mục dự án hỗ trợ TPX được phát hành bởi Ngân hàng nhân dân Trung Hoa (PBoC) là căn cứ quan trọng để các tổ chức phát hành xác định các dự án đủ điều kiện được tài trợ bằng TPX.

      Tháng 11/2016, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc tiếp tục ban hành Hướng dẫn phát hành TPX, nêu rõ cần áp dụng thủ tục phê duyệt nhanh hơn cho việc xem xét phát hành TPX. Ngoài ra, Hướng dẫn số 2 về “Áp dụng Quy tắc rà soát việc phát hành và niêm yết trái phiếu doanh nghiệp” của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải chỉ rõ: Sở Giao dịch chấp nhận và thiết lập cơ chế đặc biệt để rà soát, thực hiện báo cáo chuyên trách và áp dụng chính sách “xem xét ngay khi báo cáo” để nâng cao hiệu quả rà soát nguồn thu từ phát hành TPX. Đồng thời, Trung Quốc cũng đưa ra một số chính sách ưu đãi trong việc phát hành TPX như: “Hướng dẫn kinh doanh các công cụ tài trợ nợ xanh cho doanh nghiệp phi tài chính", theo đó doanh nghiệp được khuyến khích đăng ký và phát hành các công cụ tài trợ nợ xanh; “Một số quy định về phát triển tài chính xanh ở khu vực mới Phố Đông của Thượng Hải " nêu rõ nên thành lập quỹ dự trữ cho dự án TPX để hỗ trợ việc phát hành các TPX, trái phiếu liên kết phát triển bền vững của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trên địa bàn, giảm chi phí phát hành trái phiếu...

      Hoa Kỳ

      Là nước có tổng lượng phát hành TPX lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ đã nhiều lần đưa ra Dự luật nhằm bổ sung vào Tiêu đề 31 của Bộ luật Hoa Kỳ, với mục đích quy định việc phát hành TPX và thành lập Ngân hàng Xanh Hoa Kỳ và cho các mục đích khác. Nhưng cho đến nay, Dự luật này chưa được thông qua hay hoàn thiện trong văn bản mới nhất của Bộ luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên xét về khung pháp lý, Hoa Kỳ vẫn có những quy định riêng dành cho Trái phiếu doanh nghiệp nói chung và TPX nói riêng.

      Để đảm bảo sự minh bạch trong quá trình phát hành, Cơ quan Quản lý ngành tài chính (FINRA) đã phát triển quy tắc TRACE và được thông qua bởi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ. Đây là quy định về báo cáo tài chính của Hoa Kỳ và hệ thống liên quan để báo cáo công khai các giao dịch trái phiếu. Quy tắc TRACE được hình thành để đảm bảo tính minh bạch của các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

      Tiếp đó, để thúc đẩy sự phát triển của TPX, tại mục 142 Tiêu đề 26 của Bộ luật Hoa Kỳ, áp dụng cho công việc thống kê do Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ thu thập dữ liệu về hộ gia đình và doanh nghiệp, đã quy định những loại trái phiếu được xếp vào loại được miễn trừ thuế, bao gồm cả TPX, những loại trái phiếu được phát hành mà 95% doanh thu trở lên được sử dụng cho các dự án bền vững và dự án xanh đạt tiêu chuẩn.

      Pháp

      Pháp đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực TPX, đặc biệt là việc xây dựng và thúc đẩy thị trường này thông qua các biện pháp chính sách và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính công như Ngân hàng Trung ương Pháp và Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Tại Pháp, TPX được quản lý và giám sát theo các quy định của pháp luật tài chính và môi trường. Điều này được cụ thể trong Luật TPX (Green Bond Law), trong đó chứa các quy định cụ thể hoặc được tích hợp trong các phần của các luật liên quan đến tài chính và môi trường. Các cơ quan quản lý tài chính hoặc các tổ chức tài chính quốc gia cũng có thể tham gia vào việc giám sát và quản lý TPX từ doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán và Thị trường Tài chính (AMF) là cơ quan tài chính chính của Pháp, có vai trò trong việc giám sát và quản lý các sản phẩm tài chính như TPX. TPX của Pháp thường tập trung vào các danh mục xanh nhằm hỗ trợ các dự án và hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Ngoài ra, trong danh mục xanh cũng có các dự án về hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng, như việc cải thiện hệ thống điện trong các nhà máy sản xuất và tòa nhà, cũng như việc thúc đẩy sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và vận hành.

      Trong quá trình phát hành, quản lý và kiểm soát TPX tại Pháp, sự tham gia của bên thứ 3 đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của quá trình này. Mục đích chính của việc này là đảm bảo rằng tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu không bị lạm dụng và dẫn đến các hậu quả tiêu cực như làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư và gây tổn hại cho thị trường này, cũng như danh tiếng của các tổ chức phát hành. Theo đó, các tổ chức phát hành đề xuất sự tham gia của bên thứ ba - thường là các cơ quan chứng nhận bên ngoài - để chứng nhận thông tin về môi trường, xã hội và quản trị. Điều này được thực hiện thông qua việc thiết lập một hệ thống giám sát doanh thu ở cả cấp độ tổ chức phát hành và các dự án được tài trợ. Các nhà đầu tư thường mong đợi sự độc lập và đáng tin cậy từ các bên thứ 3 này trong việc xác thực thông tin mà tổ chức phát hành cung cấp. Mức độ đáng tin cậy của thông tin này thường được xác định dựa trên tiêu chuẩn ISAE 3000, được thiết lập bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB).

      Hà Lan

      Thị trường TPX của Hà Lan tương đối trẻ, chỉ mới ra đời từ năm 2013 khi Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO) phát hành TPX trị giá 500 triệu Euro. Kể từ đó, có sự gia tăng mạnh mẽ của phân khúc thị trường này ở Hà Lan. Năm 2019, số lượng trái phiếu bền vững phát hành ở Hà Lan đã tăng lên 18 tỷ Euro, trở thành thị trường lớn thứ 3 ở châu Âu và thứ năm trên toàn thế giới (AFM, 2020). Để tăng tính công bằng và bảo vệ quyền lợi của những bên tham gia thị trường, Luật Quy hoạch tổng hợp đã ra đời vào năm 2021, trong đó thừa nhận rằng sự tham gia của các bên liên quan là rất quan trọng cho sự thành công của dự án môi trường. Luật này quy định các quyền hợp pháp cho các bên liên quan được bày tỏ quan điểm, phản đối các quyết định phát triển những dự án có tác động trực tiếp đến lợi ích các bên.

      Hà Lan cũng đã thiết lập khung TPX phù hợp với hướng dẫn tự nguyện Nguyên tắc TPX 2021 của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế. Khung này bao gồm các phần: (1) Sử dụng tiền thu được; (2) Quy trình đánh giá và lựa chọn chỉ tiêu; (3) Quản lý tiền thu được; (4) Báo cáo; (5) Đánh giá bên ngoài. Việc sử dụng khung TPX giúp các dự án trong hạng mục xanh như: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước bền vững… đáp ứng điều kiện đặt ra.

      Chính phủ Hà Lan còn ban hành “Thỏa thuận Xanh”, nhằm cung cấp kênh liên lạc giữa các công ty và các bên liên quan khác cho các dự án xanh và bền vững hơn. Đồng thời, để kích thích sản xuất năng lượng bền vững, cải thiện hiệu quả năng lượng trong môi trường xây dựng, giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, hàng năm, nhiều quy định mới đã được Hà Lan bổ sung và hoàn thiện.

      Phân tích đối sánh khung pháp lý về TPX của Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới

      Để hình thành phát triển một thị trường TPX có nền tảng và chiều sâu, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần hoàn thiện khung pháp lý theo các cấu phần, dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên.

      Danh mục các dự án xanh

      Danh mục phân loại các dự án xanh là mắt xích quan trọng trong khuôn khổ pháp lý cho TPX, là tiền đề cho việc triển khai TPX nói chung và TPX doanh nghiệp nói riêng. Ở Việt Nam, tại Khoản 2, Điều 154 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã chỉ rõ nhiệm vụ “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh trước ngày 31 tháng 12 năm 2022”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tư liệu nào rõ ràng và công khai về danh mục phân loại các dự án xanh đạt chỉ tiêu được cấp vốn từ nguồn phát hành TPX.

      Trong khi đó, qua kinh nghiệm về xây dựng danh mục xanh từ Trung Quốc và Hà Lan, có thể thấy tầm quan trọng khi Chính phủ đưa ra danh mục từng ngành, từng dự án cụ thể với cách phân loại từng cấp độ rõ ràng để chỉ ra các dự án đủ điều kiện được tài trợ bởi nguồn vốn thu được từ phát hành TPX. Danh mục dự án xanh được coi là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt các văn bản mang tính định hướng, hướng dẫn cho việc phát triển TPX được ban hành, qua đó xây dựng nên một khung pháp lý chặt chẽ cho thị trường TPX ở Trung Quốc. Pháp cũng đã đưa ra danh mục xanh với những dự án cụ thể, chi tiết và rõ ràng.

      Những quy định về đăng ký, nguyên tắc phát hành TPX

      Tại Trung Quốc, khi phát hành TPX, doanh nghiệp sẽ được giám sát bởi Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và quản lý theo Luật Chứng khoán 2019; TPX tại Pháp và Hà Lan sẽ được coi là hợp lệ khi các dự án đầu tư tuân theo các quy định của pháp luật tài chính và môi trường, tức là chính phủ sẽ tài trợ và cấp vốn toàn bộ hoặc một phần cho các chi tiêu đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào về môi trường được nêu trong khung "Chi tiêu xanh hợp lệ" theo Khung TPX của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế. Đặc biệt là ở Pháp, quá trình giám sát và quản lý TPX từ doanh nghiệp có thể nhận được sự trợ giúp từ Ngân hàng Trung ương, AMF, ICMA, CBI…và sự hỗ trợ từ Luật TPX. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và làm cho quá trình phát hành TPX thêm minh bạch và chính xác.

      Tại Việt Nam, những nguyên tắc để phát hành TPX đã được đề cập trong Điều 21 Nghị định số 95/2018/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Tuy vậy, Việt Nam chưa có một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm giám sát và quản lý quá trình phát hành TPX của các doanh nghiệp, nên điều kiện để triển khai phát hành TPX còn chưa minh bạch, rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và triển khai TPX.

      Quy định trong quá trình phát hành, kiểm soát, quản lý TPX trên thị trường cho đến ngày đáo hạn

      Việc thành lập một bên độc lập về quản lý và kiểm soát TPX là tất yếu trong quá trình phát triển loại công cụ vốn mới này. Tại Pháp, việc đánh giá được đề với xuất sự tham gia của bên thứ ba là các cơ quan chứng nhận bên ngoài (OTC), được thực hiện thông qua việc thiết lập một hệ thống giám sát doanh thu ở cả cấp độ tổ chức phát hành và các dự án được tài trợ, đảm bảo độ tin cậy cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPX. Và để các tổ chức này cung cấp các đánh giá độc lập, thì cần bổ sung các yếu tố năng lực liên quan đến tài chính và hệ thống chuẩn mực chuyên môn. Việt Nam chưa có quy định liên quan đến các tổ chức độc lập này.

      Nguyên tắc yêu cầu tổ chức phát hành lập báo cáo minh bạch và công khai trong quá trình phát hành và sử dụng nguồn vốn từ TPX

      Luật TPX của Pháp cung cấp một cơ sở pháp lý rõ ràng và chi tiết, giúp tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy cho các nhà đầu tư và bên liên quan. Đồng thời, việc thành lập các tổ chức như AMF có vai trò quan trọng trong việc giám sát và quản lý thị trường TPX. Hay Hoa Kỳ ban hành quy tắc TRACE để yêu cầu các tổ chức tài chính và các bên liên quan phải báo cáo và công khai thông tin về các giao dịch trái phiếu.

      Đối với Việt Nam, Điều 150, Khoản 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc cấp giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư. Tuy nhiên, chưa có yêu cầu chặt chẽ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch trong thị trường TPX.

      Chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích tổ chức phát hành tham gia vào thị trường TPX

      Để thúc đẩy sự phát triển của TPX, Chính phủ Việt Nam đưa ra các chính sách ưu đãi cho những chủ thể trong thị trường chứng khoán xanh. Chẳng hạn, theo Thông tư số101/2021/TT-BTC, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu đều sẽ được giảm 50% các loại chi phí thực hiện phát hành TP, nhưng các ưu đãi lại chỉ dừng ở bước đăng ký niêm yết và phát hành chứ chưa có chính sách hỗ trợ đảm bảo quá trình phát hành, thanh toán và sử dụng nguồn vốn từ TPX.

      Trong khi đó, chính sách ưu đãi, khuyến khích ở các nước chặt chẽ, rõ ràng và cụ thể hơn Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn phát hành TPX” và hướng dẫn “Áp dụng Quy tắc rà soát việc phát hành và niêm yết trái phiếu doanh nghiệp” để các doanh nghiệp có thể tuân theo mà thực hiện, không sợ vi phạm.

      Còn Hoa Kỳ có các hướng dẫn bài bản cho TPX, cũng như chính sách miễn thuế cho các loại trái phiếu đầu tư cho các dự án xanh. Như vậy, chính sách này thay vì ưu đãi cho doanh nghiệp về chi phí phát hành, điểm bắt đầu của quá trình, họ đã miễn trừ thuế cho các trái phiếu, tính vào thu nhập của trái phiếu, nằm ở cuối quá trình. Do đó, việc kiểm soát của Hoa Kỳ thông qua thuế có thể góp phần kiểm soát tốt hơn loại hình trái phiếu này.

      MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

      Từ những phân tích thực trạng khung pháp lý trong nước kết hợp với so sánh cùng một số quốc gia trên thế giới, có thể đánh giá về tình trạng khung pháp lý về TPX của nước ta hiện nay vẫn còn sơ khai, định nghĩa về TPX còn chưa thống nhất. Thị trường TPX ở nước ta chỉ mới trong giai đoạn hình thành, còn nhiều khía cạnh pháp lý, như: nguyên tắc phát hành, kiểm soát, quản lý dự án xanh còn chưa được quy định cụ thể và rõ ràng. Đối với loại hình TPX nói riêng, các chính sách ưu đãi cũng chưa thực sự hấp dẫn đối với chủ thể phát hành.

      Nhằm hoàn thiện khung pháp lý TPX cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường TPX từ phía doanh nghiệp, góp phần xây dựng một nền kinh tế bao trùm hơn, có khả năng chống lại các tác động của biến đổi khí hậu, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất sau:

      Thứ nhất, thống nhất khái niệm TPX và ban hành Danh mục dự án xanh đủ điều kiện được tài trợ vốn từ việc phát hành TPX. Danh mục xanh cần được xác lập chi tiết, có các chỉ tiêu đánh giá cụ thể và rõ ràng, là cơ sở cho các doanh nghiệp lập kế hoạch trong việc phát hành TPX.

      Thứ hai, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành TPX, làm cơ sở vững chắc giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về quy trình phát hành TPX.

      Thứ ba, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ TPX cần được đánh giá một cách minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh. Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, rất khó để thành lập các tổ chức riêng biệt như vậy. Thay vào đó, có thể lồng ghép trong cơ quan đầu ngành một bộ phận chuyên trách về đánh giá, thẩm định, giám sát các quá trình phát hành và sử dụng nguồn vốn từ TPX khi mà các doanh nghiệp chưa có đủ nguồn lực và chuyên môn để xây dựng một bộ phận như vậy ngay trong chính doanh nghiệp.

      Thứ tư, bên cạnh ưu đãi về đăng ký niêm yết và phát hành TPX, Chính phủ cần thiết lập các chính sách hỗ trợ phù hợp với ngân sách nhà nước, có thể là: giảm thuế, hỗ trợ tài chính trong thời hạn thanh toán bằng việc cung cấp vốn vay với lãi suất thấp…/.

      Source: kinhtevadubao.vn/