Liên kết Website

       
       

      Thống kê truy cập

      Online : 7204
      Đã truy cập : 88139876

      Tác động từ suy thoái kinh tế tới sản xuất công nghiệp

      17/03/2023 09:04 Số lượt xem: 23

      Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021-2025), cùng với đó tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định. Trong nước nền kinh tế chịu sức ép lạm phát, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất tăng.

      Là tỉnh công nghiệp chiếm nhiều vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng, bởi vậy áp lực từ suy thoái kinh tế toàn cầu tác động càng mạnh đối với Bắc Ninh, nhất là ngành công nghiệp. Với quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành, ngay từ đầu năm UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, ban hành Chương trình hành động số 18/CTr-UBND ngày 18-1-2023 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 cùng 2 Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực.


      Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tuy giảm nhưng cán cân thương mại của Bắc Ninh tiếp tục duy trì thặng dư.

      Bước sang tháng 2, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, áp lực tỷ giá, lãi suất còn tăng, bất động sản giảm rõ rệt, thị trường lao động biến động... dẫn đến sản xuất công nghiệp của tỉnh bị giảm xuống. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm khá nhiều (9,05%), trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử là ngành trọng điểm của tỉnh giảm tới 8,05%, IIP giảm so với tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là 15,6 % và 13,17%. Đây là mức giảm sau 3 năm liên tiếp đạt mức tăng, đồng thời cũng là mức giảm khá nhiều so với mức giảm năm 2019 (là 2,02%)… Tính chung 2 tháng, gần 80% các sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ năm trước, 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh bị giảm, trong đó giảm nhiều nhất là máy in-copy, pin điện thoại các loại; đồng hồ thông minh. Chỉ có 5/23 sản phẩm có mức tăng đó là: sản xuất đồ uống (tăng 34,47%); thuốc, hóa dược và dược liệu (13,9%); sản xuất từ kim loại đúc sẵn (10,1%); sản xuất phương tiện vận tải khác (12,02%)…
      Trong 2 tháng qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Bởi vậy, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế nhưng vẫn có những kết quả khả quan như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1 đạt 5,9 tỷ USD, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng lại dẫn đầu cả nước (cao hơn thành phố Hồ Chí Minh 0,7 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu hàng hóa, đạt khoảng 3,4 tỷ USD; nhập khẩu ước tính đạt 2,5 tỷ USD. Xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, xuất siêu 0,8 tỷ USD, bằng 23,5% kim ngạch xuất khẩu, cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 11,56 tỷ USD, xuất siêu đạt 1,56 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng doanh nghiệp và tổng vốn đầu tư lần lượt là 5% và 25,5%. Quy mô vốn đầu tư của 1 doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
      Số lượng dự án và vốn đăng ký mới FDI tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp gần 2 lần về số dự án đăng ký mới và gấp 3 lần về vốn đăng ký mới (riêng tháng 1, Bắc Ninh thu hút đầu tư FDI đứng thứ 4 cả nước). Cụ thể tổng vốn thu hút FDI 2 tháng đầu năm đạt 210,8 triệu USD, bao gồm: 29 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 131,56 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 22 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 77,98 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 4 lượt với giá trị là 1,26 triệu USD. Điều này cho thấy Bắc Ninh vẫn được các nhà đầu tư quan tâm, đánh giá là điểm hấp dẫn, ổn định với môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn, với kết quả thu hút vốn FDI tốt sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp phát triển trong giai đoạn tới.
      Trong bối cảnh sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất tiếp tục khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao trong thời gian tới. Với tinh thần trách nhiệm cao, tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương thời gian tới tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, tiếp tục khẳng định Bắc Ninh là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư.

      Thái Uyên
      Nguồn: http://baobacninh.com.vn