bn-current-user-online-portlet
Bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08%
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.
CPI quý II/2024 tăng 4,39%
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga – Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ.
Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng phát triển trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số quốc gia và khu vực. Lạm phát toàn cầu đang có biểu hiện đi ngang sau một thời gian giảm nhanh, nhưng trước bức tranh kinh tế khó đoán định khiến xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ rệt. Lạm phát của Mỹ tháng 5/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp tháng 6/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Trong tháng 5/2024, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 2,3%; Đức tăng 2,4%; Tây Ban Nha tăng 3,6%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2024 của Lào tăng 25,77% so với cùng kỳ năm trước; Ấn Độ tăng 4,75%; Phi-lip-pin tăng 3,9%; Xin-ga-po tăng 3,1%; In-đô-nê-xi-a tăng 2,84%; Hàn Quốc tăng 2,7%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 6/2024 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát |
Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08%.
Giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 6 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
So với tháng trước, CPI tháng 6/2024 tăng 0,17% (khu vực thành thị tăng 0,1%; khu vực nông thôn tăng 0,24%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm giảm giá.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2024 tăng 4,34%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,18% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,36% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, góp phần làm CPI giảm 0,04 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu
Năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong khoảng 4% - 4,5%. Hiện, kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 đã đi qua 1/2 chặng đường. Công bố vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%).
Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80-90 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính lo ngại, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 - đây cũng là yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh ngược lại, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được thực hiện góp phần giảm chi phí đầu vào… Với những khó khăn, thuận lợi đan xen, Bộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64% - 4,5%.
Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4,3% ± 0,5%. Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 6 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia Khối nghiên cứu toàn cầu, Ngân hàng HSBC, sau thành công trong kiểm soát năm 2023 (tăng 3,25%), kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng rất nhẹ trong năm 2024 (dự báo tăng ở mức 3,4%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành; cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5% - 4%, tuy nhiên, ngay cả ở mức tăng dự kiến này, lạm phát vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát và cho thấy vẫn trong xu hướng giảm khá bền vững trong những năm gần đây.
Là cơ quan quản lý giá, Bộ Tài chính kiến nghị cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tính toán, trên cơ sở đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các phương án giá và lộ trình theo yêu cầu để tránh bị động trong ban hành và triển khai thi hành các chính sách về giá…/.
- Gần 27,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, xu hướng tăng đang chậm lại (07/11/2024 07:42)
- Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam năm 2024 (07/11/2024 07:34)
- Tạo sự chuyển biến đột phá đưa Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số (07/11/2024 07:25)
- KẾ HOẠCH số 75/KH -BQLCKCN ngày 30/10/2024 Triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (06/11/2024 14:36)
- Cần xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực (05/11/2024 14:58)
- Xây dựng, phát triển các khu xử lý chất thải (01/07/2024 13:31)
- Thu hút vốn FDI, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế (01/07/2024 13:26)
- Bắc Ninh dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI (01/07/2024 13:23)
- Nửa đầu năm 2024: cán cân thương mại cả nước xuất siêu 11,63 tỷ USD (01/07/2024 09:08)
- 9 NHÓM ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI) (01/07/2024 09:02)