Liên kết Website

      bn-current-user-online-portlet

      Online : 2247
      Total visited : 150735929

      Nửa đầu năm 2024: cán cân thương mại cả nước xuất siêu 11,63 tỷ USD

      01/07/2024 09:08 View Count: 12

      Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).

      Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD

      Cơ quan thống kê quốc gia cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

      Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

      Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

      Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%.

      Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

      "Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%", báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.

      Nửa đầu năm 2024: cán cân thương mại cả nước xuất siêu 11,63 tỷ USD
      Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 54,3 tỷ USD

       

      Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.

      Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,94 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).

      Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.

      Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước

      Từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp sau:

      (i) Nắm bắt khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá thông qua mối liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

      Bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt công tác xuất khẩu gạo và các nông sản khác; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo của chính phủ các nước, nhằm khai thác tối đa cơ hội thuận lợi trên thị trường thế giới, đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an ninh năng lượng quốc gia.

      (ii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; phối hợp với các bộ, ngành hữu quan triển khai chỉ đạo của Chính phủ liên quan đối Thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.

      (iii) Nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

      (iv) Tập trung triển khai hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu.

      (v) Theo dõi sát biến động chính sách của các đối tác thương mại, đặc biệt các đối tác thương mại lớn để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để thúc đẩy xuất khẩu; chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.

      (vi) Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.

      (vii) Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

      (viii) Điều tiết tốt tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, khuyến cáo doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển sang thương mại chính ngạch.

      (ix) Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua tnternet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O; kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ./.

       

      Huy Đức
      Source: https://kinhtevadubao.vn/