Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 3275
      Đã truy cập : 150727088

      Để không vuột mất cơ hội dân số vàng...

      12/07/2024 15:09 Số lượt xem: 8

      Cơ cấu dân số vàng ở nước ta mới “vàng” về mặt số lượng, là thách thức lớn đối với xã hội. Vì vậy, cần có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực...

      Để không bỏ lỡ cơ hội dân số vàng...

      Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nên tận dụng cơ hội dân số vàng để phát triển đất nước. (Ảnh minh họa)

      Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu dân. Trong 30 năm qua, nước ta đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cơ cấu này sẽ kéo dài đến năm 2041, là thời cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

      Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, sau Malaysia 40 năm và Nhật Bản là 60 năm. Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động hùng hậu với hơn 51 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

      Với quy mô dân số lớn và đang ở thời kỳ dân số vàng, rõ ràng Việt Nam có nhiều lợi thế trong hội nhập kinh tế, thực hiện khát vọng đặt ra tại Nghị quyết XIII của Đảng là Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, để tận dụng cơ cấu dân số vàng trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề.

      Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á đã tận dụng cơ hội dân số vàng để tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng bắt đầu từ năm 2007. Nhưng đến nay, về thực chất cơ cấu dân số vàng ở nước ta mới “vàng” về mặt số lượng, đây được xem là thách thức lớn đối với xã hội. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội dân số vàng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

      Ngay từ khi bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, Việt Nam đã có nhiều chính sách được ban hành như phát triển nguồn nhân lực, gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong 10 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.

      Từ tháng 4/2023, dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc nước ta được bổ sung một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu biết tận dụng tối đa nguồn lao động này sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong nền kinh tế số.

      Với dân số dồi dào là lợi thế, cơ hội và cũng là thách thức lớn. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ, số lượng lớn là thị trường lớn trong khu vực ASEAN. Nếu không có giải pháp tổng thể để phát huy lợi thế dân số vàng và quy mô dân số lớn (đứng 15 thế giới) thì đây là thách thức không nhỏ đối với nước ta. Cụ thể, đó là vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tránh bẫy thu nhập trung bình cũng như các giải pháp đối phó với tình trạng già hóa dân số đang đến rất nhanh.

      Ngày Dân số thế giới (11/7) năm 2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề: "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững". Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam, ĐBQH. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội từng nói, chúng ta cần nhanh chóng có giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ “vàng” số lượng sang “vàng” chất lượng.

      "Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ", TS. Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

      Theo ông Nghĩa, cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

      Đồng thời, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ...

      Bên cạnh đó, phát triển chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, đất nước.

      Hơn thế, cần có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực để Việt Nam có thể hội nhập với thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không, chúng ta sẽ để "vuột" mất cơ hội dân số vàng. 

       

       

      Kim Thoa (Báo Thế giới và Việt Nam)
      Nguồn: https://baoquocte.vn/de-khong-vuot-mat-co-hoi-dan-so-vang-278260.html