Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 4653
      Đã truy cập : 150712065

      Cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động năm 2024

      07/03/2024 15:10 Số lượt xem: 94

      Mức tiền đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 của người lao động sẽ bằng tổng mức đóng các loại bảo hiểm gồm y tế, thất nghiệp, bảo hiểm xã hội (tổng là 10,5%) nhân với mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc...

      Ảnh minh họa.

      Ảnh minh họa.

      Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông tin về cách tính mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 đối với người lao động.

      Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động (không bao gồm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) được xác định như sau: Bảo hiểm xã hội 8%; bảo hiểm thất nghiệp 1%; bảo hiểm y tế 1,5%.

      Như vậy, tổng mức đóng bảo hiểm năm 2024 của người lao động là 10,5%. Hiện nay, công thức tính tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được xác định như sau: Mức tiền đóng bảo hiểm = 10,5% x Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

      Trong đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

      Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Do đó, từ thời điểm này, mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 của người lao động cũng sẽ thay đổi.

      Trường hợp mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và các khoản phụ cấp được tăng lên thì mức đóng bảo hiểm của người lao động cũng sẽ tăng theo.

      Căn cứ quy định tại khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, có đề cập đến các khoản thu nhập không phải tính đóng bảo hiểm như sau: Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019; tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca.

      Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

      Theo đó, các khoản nêu trên phải ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

      Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi như: Được tham gia và hưởng các chế độ theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014; được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội và nhận lại sổ khi không còn làm việc.

      Người lao động cũng được nhận lương hưu và trợ cấp đầy đủ, kịp thời theo các hình thức sau: Nhận trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội, hoặc tổ chức dịch vụ được ủy quyền; nhận thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; nhận thông qua công ty, tổ chức nơi làm việc hay người sử dụng lao động.

      Họ cũng được hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp đang hưởng lương hưu, nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, nhận con nuôi, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay trợ cấp ốm đau.

      Người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được thanh toán chi phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội. Họ có thể ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người khác.

      Khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động cũng được được cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội theo định kỳ; yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng và quyền được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.

      Người tham gia được khiếu nại, tố cáo và khởi kiện Bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

      Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 3,92% lực lượng lao động.

      Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

      Nguồn: https://vneconomy.vn/