Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 3477
      Đã truy cập : 150750354

      Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam

      21/05/2024 08:18 Số lượt xem: 14

      Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và phái sinh (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) đánh giá cao kết quả nổi bật của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, trong bối cảnh FDI trên toàn cầu chững lại.

      Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và phái sinh (Ngân hàng Shinhan Việt Nam)

      Theo ông, vốn FDI có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu và dòng vốn này sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

      Theo đánh giá của ông, tình hình kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm có những điểm sáng nổi bật gì, ngoài ra, có những điểm gì cần lưu ý?

      Trong quý đầu tiên của năm 2024, nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự phục hồi với mức tăng trưởng đạt gần 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự gia tăng trong xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất, do nhu cầu bên ngoài phục hồi.

      Sản xuất công nghiệp phục hồi với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Ngoài ra, nhu cầu trong nước cũng được cải thiện nhờ sự bùng nổ của du lịch và Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, trong bối cảnh FDI trên toàn cầu chững lại do những bất ổn của thế giới.

      Nhìn chung, các lĩnh vực đều có sự cải thiện tốt. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 4/2024 đạt 50,3 (vượt trên ngưỡng 50), cho thấy ngành sản xuất đang tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, từ kết quả hoạt động tốt trong quý I/2024 của các công ty điện tử lớn trên toàn cầu, Việt Nam, vốn là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng điện và điện tử, đang thể hiện sức mạnh trong quá trình phục hồi của lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

      Mặc dù xuất khẩu trong tháng 4/2024 giảm so với tháng trước đó, nhưng vẫn tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023 và duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tháng 4 là 19,9%, cao hơn tháng 3/2024 (9,7%) và cao hơn dự kiến (16,4%).

      Đến hết tháng 4/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,41% tổng kế hoạch năm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều có sự khởi sắc, tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nên các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

      Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, gần tiến đến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4 - 4,5% của Chính phủ. Vì vậy, theo tôi, cần có các bước chuẩn bị cho tình trạng suy thoái kinh tế nếu biến động bên ngoài gia tăng trong tương lai, vì nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn.

      Ngoài những lợi thế “truyền thống”, theo ông, điều gì đã giúp Việt Nam có được kết quả tích cực về thu hút FDI trong thời gian vừa qua?

      Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và mới đây nhất là Australia. Sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam tăng lên một phần nhờ việc tăng cường hợp tác với các nước lớn. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)…, cũng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để Việt Nam có được lợi thế tương đối trong hoạt động thương mại và đầu tư.

      Trong khi đó, khi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc suy yếu do cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nóng dần, thì vị trí địa lý gần Trung Quốc và lực lượng lao động với chi phí hợp lý cũng giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia.

      Đặc biệt, sự phục hồi của dòng vốn FDI vào dệt may, một ngành công nghiệp FDI truyền thống vốn đã chững lại, được coi là tín hiệu tích cực đối với Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và lợi nhuận trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Như vậy, ngoài sự phục hồi của ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp truyền thống vững chắc cũng đã ghi nhận khởi sắc.

      Ông có khuyến nghị gì về những chính sách Việt Nam cần thực hiện trong ngắn và trung hạn để giữ vững đà tăng trưởng trong quý II, trong những tháng còn lại của năm 2024 cũng như giai đoạn tiếp theo?

      Với cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, thu hút FDI có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng. Trong ngắn hạn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam bắt đầu từ năm nay có thể dẫn tới sự suy giảm dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong tương lai.

      Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị các chính sách hỗ trợ hấp dẫn, khuyến khích cạnh tranh, có thể thay thế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, như đơn giản thủ tục hành chính, hay chính sách mới về hỗ trợ đất đai.

      Ngoài ra, việc chuẩn bị và thực hiện các chính sách để cung cấp điện ổn định là rất cần thiết. Thông qua việc áp dụng Cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA), Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thu hút thêm các doanh nghiệp FDI...

      Trong trung hạn, việc tiếp tục đường lối “ngoại giao cây tre” trong đối ngoại sẽ tạo niềm tin về sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam và có kế hoạch vào Việt Nam.

      Đặc biệt, động thái gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ được đánh giá rất tích cực như một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất. Việc miễn, giảm thuế, phí như vậy sẽ giúp kích thích tiêu dùng, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thực hiện các hoạt động hỗ trợ kinh tế thông qua các biện pháp tài chính khác nhau kể từ sau Covid-19, nên nguồn thu quốc gia giảm sút. Vì vậy, việc liên tục theo dõi và chuẩn bị cho tình trạng nợ công gia tăng do doanh thu thuế giảm phải được tiến hành song song.

      Vân Lin
      Nguồn: https://baodautu.vn/