Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 3914
      Đã truy cập : 150679628

      Quá trình hình thành và phát triển tỉnh Bắc Ninh

      31/03/2022 16:34 Số lượt xem: 227

      Theo Đại Nam Thực lục, Tập X, Chính biên Đệ nhị kỷ VI, Minh Mệnh năm thứ 11 và 12 (1830- 1831) ghi: Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), “Tân Mão, Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) Mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 1. Vua dụ bày tôi rằng: Dựng các trấn làm bình phong và đặt quan chức để cai trị, là chính sách lớn của triều đình,... Chia định địa hạt các tỉnh gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, HảiDương, Quảng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng.



      Thừa tuyên Kinh Bắc trong Hồng Đức bản đồ (Ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp).

      Tỉnh Bắc Ninh thống trị 4 phủ là Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An, Lạng Giang; 20 huyện gồm: Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Đông Ngàn, Thiên Phúc, Kim Hoa, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lương Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng, Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhãn, Lục Ngạn.

      Đến những năm niên hiệu Tự Đức (1848- 1883) đặt thêm huyện Đông Anh, tổng cộng là 21 huyện. Nay Hữu Lũng nhập vào Lạng Sơn, Lục Ngạn sát nhập vào Lục Nam. Hiện chỉ còn 19 huyện.

      Năm 1887, một số tổng của tỉnh Bắc Ninh đã được tách ra khỏi các huyện: Siêu Loại, Gia Lâm và Lương Tài để gộp vào tỉnh Hưng Yên. 5 tổng của huyện Văn Giang được gộp vào tỉnh Hải Dương.

      Tháng 10 năm 1895, thực dân Pháp chia tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh (mới) có hai phủ Thuận Thành, Từ Sơn, bao gồm 10 huyện: Đông Ngàn, Tiên Du, Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại, Gia Bình, Lương Tài, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong.

      Năm 1896, phủ Đa Phúc gồm 2 huyện Kim Anh, Đa Phúc chuyển về Bắc Ninh. Năm 1902, lại tách huyện Đa Phúc và Kim Anh ra khỏi Bắc Ninh. Năm 1905, tỉnh Phúc Yên được thành lập trên cơ sở 2 huyện Đông Anh, Đa Phúc.

      Năm 1912, huyện Siêu Loại được đổi tên là huyện Thuận Thành; huyện Đông Ngàn được đổi tên là huyện Từ Sơn. Cũng năm này, tổng Đông Xá của huyện Thuận Thành được chuyển về huyện Gia Lâm tỉnh Hưng Yên.

      Ngày 19/10/1938, chính quyền thuộc Pháp ở nước ta quyết định nâng cấp thị xã Bắc Ninh lên thành thành phố loại III. Bắc Ninh được coi là thành phố thứ 5 của Bắc Kỳ, đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định.

      Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bắc Ninh là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi Ủy ban hành chính Liên khu I, Liên khu Việt Bắc.

      Ngày 28/5/1946, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 730- PHC và Nghị định số 1109 ngày 26/7/1946 về việc lập thành lập thị xã Bắc Ninh.

      Tháng 2/1947, huyện Văn Giang nhập vào tỉnh Hưng Yên. Tháng 6/1947 chuyển huyện Văn Lâm về tỉnh Bắc Ninh. Đến ngày 14/4/1948 giải tán thị xã Bắc Ninh.

      Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 263- SL đưa huyện Gia Lâm (kể cả thị xã Ngọc Thụy) thuộc tỉnh Bắc Ninh, Liên khu I, nay sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên, Liên khu 3 về mọi mặt.

      Ngày 7/11/1949, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 127-SL đưa huyện Gia Lâm (kể cả thị xã) trước đây nhập vào tỉnh Hưng Yên (Liên khu 3) trả lại tỉnh Bắc Ninh (Liên khu I).

      Tháng 1/1950, tỉnh Bắc Ninh gồm 9 huyện (138 xã): Yên Phong, Quế Dương, Thuận Thành, Tiên Du, Lang Tài, Võ Giàng, Từ Sơn, Gia Bình, Gia Lâm.

      Tháng 8/1950 huyện Gia Lương ra đời trên cơ sở hợp nhất hai huyện Gia Bình và Lang Tài.

      Ngày26/4/1951, Nghị định số 2198- PTH/NĐ của Thủ hiến Bắc Việt- thành lập thị xã Bắc Ninh trên cơ sở ba trấn Bắc Ninh, Thị Cầu và Đáp Cầu.

      Hòa bình lập lại, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau:

      Ngày 20/4/1961, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn việc mở rộng thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, 29 xã, thị trấn thuộc tỉnh Bắc Ninh: Cả huyện Gia Lâm (gồm 15 xã); xã Liên Hà, xã Vân Hà, xã Dục Tú, xã Quang Trung, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, xã Tiền Phong, xã Đình Xuyên, xã Dương Hà, xã Ninh Hiệp, thị trấn Yên Viên của huyện Từ Sơn; xã Phù Đổng, xã Trung Hưng của huyện Tiên Du; xã Đức Thắng, xã Chiến Thắng huyện Thuận Thành nhập vào Hà Nội.

      Ngày 7/8/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 120-CP, sáp nhập hai xã Khắc Niệm và Võ Cường thuộc huyện Võ Giàng của tỉnh Bắc Ninh vào huyện Tiên Du cùng tỉnh. Sáp nhập hai huyện Quế Dương và Võ Giàng thuộc tỉnh Bắc Ninh thành một huyện và lấy tên là huyện Quế Võ.

      Tháng 3/1963, huyện Tiên Sơn ra đời trên cơ sở hợp nhất hai huyện Tiên Du và Từ Sơn sau khi đã chuyển một số xã sang Gia Lâm và Đông Anh; xã Đông Thọ, xã Văn Môn chuyển sang Yên Phong, nhận của Yên Phong hai xã Tương Giang và Phú Lâm và từ Quế Võ hai xã Khắc Niệm và Võ Cường.

      Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 1/4/1963 tỉnh Hà Bắc chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, trung tâm tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang. Tỉnh Hà Bắc có diện tích là 421.633 km2với 14 huyện, 2 thị xã; dân số là 1.000.305 người.

      Nguồn: bacninh.gov.vn