Thống kê truy cập
Chuyên gia ADB gợi mở cách đón dòng vốn FDI tỷ USD đang rút mạnh khỏi nhiều quốc gia
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết dòng vốn FDI đang rút mạnh khỏi Trung Quốc, tính riêng năm 2023 là 150 tỷ USD/năm. Để tận dụng sự chuyển dịch vốn đầu tư toàn cầu và tranh thủ cơ hội hơn nữa, chuyên gia từ ADB lưu ý hai điểm...
Chia sẻ về xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 với chủ đề: “Mở rộng không gian tăng trưởng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng trong vài năm gần đây, tổng lượng vốn FDI trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm. Trong đó, xu hướng dòng vốn FDI chảy rất mạnh vào các nền kinh tế thu nhập cao và giảm với các nền kinh tế đang phát triển.
VIỆT NAM "GIỮ NHỊP" TỐT DÙ ĐẦU TƯ TOÀN CẦU SỤT GIẢM
Dù nằm trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển song theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, Việt Nam vẫn "giữ nhịp" thu hút được vốn FDI khá tốt trong bối cảnh sụt giảm toàn thế giới cũng như lượng vốn chạy vào nước đang phát triển có xu hướng giảm sút.
Thống kê cho thấy vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu cho những nhà sản xuất đang rút ra khỏi Trung Quốc nhờ vị thế chiến lược trong chuỗi cung ứng và độ mở trong cả kinh tế và chính trị.
Cùng với đó, Việt Nam vẫn duy trì được một lượng vốn FDI giải ngân tốt, khoảng 1,8 tỷ USD/tháng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam duy trì được mức cao nhất trong 5 năm liền kề.
Vốn FDI thực hiện tập trung chủ yếu ở nhóm công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng hơn 80%. Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp điện tử toàn cầu.
Theo ông Hùng, vốn FDI chạy vào các nước có thu nhập cao cũng là một dấu hiệu để cho thấy xu hướng "Friend-shoring", tức là việc kéo theo các chuỗi sản xuất về các nước thân thiện hơn, được coi là an toàn về chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp.
Soi kỹ các điểm đến của dòng vốn FDI trong năm 2023, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng có một điểm rất quan trọng, đó là sụt giảm dòng vốn vào Trung Quốc, khoảng 150 tỷ USD/năm.
"Vậy luồng vốn này chạy đi đâu?", ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng vốn FDI có thể chảy vào các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về dòng vốn đầu tư và kéo theo dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại.
"Chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên, dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, điển hình là Mỹ và Trung Quốc", ông Vinh đánh giá.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nóng dần trở lại và với vị thế địa chính trị của mình, giới phân tích cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu thế đầu tư “Friend-shoring” và chiến lược “Trung Quốc +1”.
Chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chuyển dịch hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam để tránh sự trừng phạt từ các chính sách của Mỹ. Do đó, vốn đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam luôn ghi nhận được mức tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực.
TỒN TẠI HAI NỀN KINH TẾ TRONG MỘT QUỐC GIA
Nhìn vào kinh nghiệm thành công của nhiều "con hổ" châu Á như: Hồng Kông và Singapore trong việc tận dụng thành công dòng vốn từ FDI, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh rằng FDI là một công cụ nhưng không nhất thiết là công cụ bắt buộc.
Ông Nguyễn Bá Hùng phân tích đầu tiên, mỗi quốc gia đều cần định vị vị thế của mình và có thể có quyền lựa chọn dòng vốn FDI phù hợp, tức chất lượng FDI rất quan trọng. Chúng ta không nhất thiết phải theo đuổi những con số tăng trưởng về FDI, vì FDI không hẳn là mục tiêu cuối cùng mà chỉ là công cụ.
Thứ hai, về xu hướng, dòng vốn FDI thường do các tập đoàn đa quốc gia điều phối.
Theo ông Hùng, trước đây, chúng ta dùng khái niệm những ngành có giá trị thấp, các ngành di động là "foot-loose" hay mô hình "đàn sếu bay" ám chỉ cứ một vài năm phát triển tốt, các "ông lớn" FDI lại tìm cách chuyển dịch sang nước khác. Các ngành này có chi phí chuyển dịch từ nước nọ sang nước kia rất thấp và thường chạy theo lợi ích của địa phương hoặc của các quốc gia. Theo đó, "foot-loose" trước đây là ngành như dệt may, còn nay có thể là ngành lắp ráp điện tử...
"Họ chỉ tận dụng lợi thế về đất đai, nhà xưởng, điện, lao động và cơ sở hạ tầng như: đường cao tốc, cảng biển... của mỗi quốc gia. Nếu tình hình kinh doanh bớt thuận lợi hơn hoặc các nước khác có trợ cấp, có lợi ích tốt hơn, các ngành này rất dễ chuyển dịch từ nước nọ sang nước kia. Đó là xu hướng của FDI", ông Hùng phân tích.
Vậy đối với nền kinh tế Việt Nam, làm thế nào để khai thác được công cụ FDI để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế?
Nhìn vào thực tế của Việt Nam hiện nay, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hiện tương đối yếu. Điều này dẫn đến trên lãnh thổ Việt Nam có hai nền kinh tế nhỏ.
Một, nền kinh tế nhỏ là nền kinh tế nội địa; hai là, nền kinh tế xuất khẩu. Tức họ đến mượn đất, mượn đường, mượn điện của ta, thuê người của ta nhưng về cơ bản là quản tất cả, từ đầu vào và đầu ra. Điều này cũng thể hiện ở con số hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khối FDI.
LÀM SAO ĐỂ TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ DÒNG VỐN FDI?
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa lợi ích của dòng vốn FDI đối với tiến trình tăng trưởng, phát triển kinh tế bằng hai việc.
"Không nhận được lợi ích xa hơn từ việc chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn về nguồn lực, cạnh tranh về đất đai, cạnh tranh về nguồn nhân lực. Đồng thời, vô hình chung sẽ gây ảp lực cho doanh nghiệp trong nước, nếu doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thuần tuý chỉ là mượn đất, mượn đường hay mượn điện của ta". Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB. |
Thứ nhất, kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ hai, hiện doanh nghiệp trong nước phần lớn là vừa và nhỏ, còn doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn thì hơi ít; doanh nghiệp đủ lớn để có thể điều khiển được chuỗi thậm chí còn ít hơn.
"Do đó, cần tạo ra môi trường để doanh nghiệp nội địa lớn lên và khi lớn lên sẽ tham gia sâu hơn vào các chuỗi xuất nhập khẩu của khu vực FDI", ông Hùng khuyến nghị.
Đưa ra những lưu ý nhằm tận dụng được sự chuyển dịch luồng vốn đầu tư, ông Phạm Quang Vinh nêu rõ một là, chúng ta lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao năng lực quốc gia.
Hai là, chúng ta cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.
"Khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, chúng ta có thể tranh thủ được cả hai bên nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường", ông Vinh lưu ý.
Do đó, trong thời gian gần đây, Indonesia phải đánh thuế vào cả hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường. Đây cũng là một vấn đề cần phải chú ý.
Thứ ba, do Việt Nam nằm trong khu vực tăng trưởng kinh tế năng động và có sự cạnh tranh gay gắt để tận dụng các sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư nên chúng ta cần phải tìm cách vượt qua các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.
Cuối cùng, cần phải đề cập tới khung chính sách và giải quyết những "điểm nghẽn" nội tại. Những "điểm nghẽn" này ảnh hưởng đến các dự án đang được tiến hành và cả các dự án trong tương lai.
- Gần 27,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, xu hướng tăng đang chậm lại (07/11/2024 07:42)
- Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam năm 2024 (07/11/2024 07:34)
- Tạo sự chuyển biến đột phá đưa Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số (07/11/2024 07:25)
- KẾ HOẠCH số 75/KH -BQLCKCN ngày 30/10/2024 Triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (06/11/2024 14:36)
- Cần xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực (05/11/2024 14:58)
- Việt Nam - Điểm đến của các ngành công nghiệp tiên phong (17/07/2024 08:16)
- Logistics xanh tạo lợi thế cạnh tranh bền vững (17/07/2024 08:15)
- Vị thế trong chuỗi cung ứng xuất khẩu của doanh nghiệp điện tử Việt Nam vẫn nhỏ bé và thấp kém (17/07/2024 07:53)
- Giải pháp đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở Việt Nam (12/07/2024 16:15)
- Để không vuột mất cơ hội dân số vàng... (12/07/2024 15:09)