Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 4513
      Đã truy cập : 150772630

      Tập trung thúc đẩy tổng cầu để phục hồi kinh tế nhanh hơn

      22/04/2024 09:47 Số lượt xem: 27

      Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu. Các động lực tăng trưởng từ đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần được đẩy mạnh hơn nữa.

      Đây là nhận định được nêu trong cuộc Hội thảo khoa học quốc gia và công bố Ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ngày 17/4.

      Tập trung thúc đẩy tổng cầu để phục hồi kinh tế nhanh hơn
      Tập trung thúc đẩy tổng cầu để phục hồi kinh tế nhanh hơChính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang thực hiện đã đem lại kết quả tích cực. Ảnh tư liệu

      Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái

      Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2023 là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam, trong nhiều năm gần đây. Tăng trưởng năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

      "Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…” - GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định.

      Xu hướng giảm của tổng cầu và tác động đối với nền kinh tế được GS.TS Tô Trung Thành phân tích trong Ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam 2023, của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

      Theo đó, trong năm 2023, các thành tố tổng cầu của Việt Nam đều có xu hướng tăng chậm lại. Cụ thể, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản lần lượt tăng 3,52% và tăng 4,09% (giảm mạnh so với mức tăng 7,09% và 5,40% năm 2022). Do đó, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh, với mức thâm hụt ít hơn năm trước.

      Tập trung thúc đẩy tổng cầu để phục hồi kinh tế nhanh hơn
      Ảnh minh họa

      Chênh lệch xuất nhập khẩu chuyển từ thâm hụt năm 2022 sang thặng dư năm 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu suy giảm cũng cho thấy sản xuất đang rất khó khăn, đặc biệt ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Khi đó, tăng trưởng GDP có thể không thực sự phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế GS.TS Tô Trung Thành nhận xét.

      Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Trong đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 21,2% so với năm trước. Điều này là kết quả cho sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công như một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh những nguồn lực ngoài nhà nước khó khăn.

      Khó khăn ở khu vực kinh tế tư nhân còn rất lớn

      Cũng trong năm 2023, tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước đã tăng lên 27,85%, so với mức 25,61% năm 2022. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước có mức tăng đầu tư còn rất thấp so với các khu vực khác của nền kinh tế (chỉ tăng 3,4%), trong khi ở giai đoạn trước đại dịch, khu vực này đạt mức tăng đạt trung bình 15% (2016-2019).

      Cụ thể, vốn khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7% so với 8,9% năm 2022; vốn đầu tư FDI chỉ tăng 5,4% so với 13,9% năm 2022. Tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước giảm từ 58,2% năm 2022 xuống còn 56,1% năm 2023. Điều này, theo GS.TS Tô Trung Thành, phản ánh những khó khăn vẫn còn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân, sau khi chịu tác động nặng nề và dai dẳng từ đại dịch.

      Có nhiều cơ sở để lạc quan hơn

      TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng bối cảnh hiện nay giúp chúng ta có cơ sở để lạc quan hơn. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay là 5,5%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 4,5%. Nhiều con số cho thấy kinh tế đang phục hồi, dù không đồng đều. Hiện nay, Việt Nam cùng với Trung Quốc là 2 trong số ít nước có thu nhập bình quân đầu người dân tăng lên, so với trước dịch Covid-19.

      Về tiêu dùng, dù đã phục hồi sau Covid-19 vào năm 2022 (tăng 7,18%), báo cáo đánh giá tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng đã suy giảm năm 2023 (tăng 3,52%), chủ yếu do tình hình kinh tế ảm đạm. Trước đại dịch Covid-19, tiêu dùng cuối cùng là thành phần lớn và ổn định nhất của tổng cầu tại Việt Nam, luôn duy trì tăng trên 7% mỗi năm.

      Dù chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng lại có xu hướng tăng chậm lại và không ổn định trong những năm gần đây, làm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cả tiêu dùng cuối cùng khu vực nhà nước và tư nhân đều giảm so với năm 2022.

      Trong bối cảnh các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, Chính phủ đã có nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, tỷ trọng của tiêu dùng nhà nước hầu như ít thay đổi qua các năm qua, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ. Vai trò của tiêu dùng nhà nước trong GDP của Việt Nam còn hạn chế và còn khá thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển và các nước trong khu vực.

      Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu. Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa.

      Đồng tình với nhiều nhận định của các chuyên gia nêu trong ấn phẩm, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, cũng khuyến nghị thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu, các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cải cách thể chế, tăng năng suất, liên kết vùng…

      Các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay, đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp. Do đó, việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt. Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.

      Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.

      Thực hiện chính sách tài khóa thận trọng thúc đẩy tiêu dùng

      Theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc ADB tại Việt Nam, mức tăng trưởng GDP quý vừa qua là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và là một trong những mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.

      Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 còn phải đối mặt với những thách thức và rủi ro. Từ bên ngoài, đó là sự thiếu ổn định trên thị trường toàn cầu do các xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Các thách thức này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam.

      Ở trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường tiêu dùng kết hợp với chính sách tài khóa để tăng cung tiền mặt trong lưu thông. Trong khu vực, hầu hết các quốc gia giữ vững đà tăng trưởng tốt đều là những quốc gia có thị trường nội địa rất phát triển và mức tiêu thụ nội địa rất cao. Ấn Độ và Indonesia là điển hình giữ vững tăng trưởng tốt với động lực từ thị trường nội địa - ông Shantanu Chakraborty cho biết.

      Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Giám đốc ADB khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa thận trọng để thúc đẩy tiêu dùng, thông qua hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công hoặc thông qua các biện pháp khuyến khích khác như gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng, hoặc tăng cường các biện pháp an sinh xã hội. Đồng thời, Việt Nam cần bảo đảm đầu tư công đi đúng hướng. 

       

       

      Hoàng Yến (Thời báo Tài chính)
      Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tap-trung-thuc-day-tong-cau-de-phuc-hoi-kinh-te-nhanh-hon-149173.html