Liên kết Website

      Thống kê truy cập

      Online : 3382
      Đã truy cập : 150743688

      Thách thức với thị trường mới nổi nửa cuối năm 2024: Nội tệ mất giá, lạm phát đi lên

      06/06/2024 10:15 Số lượt xem: 15

      Thị trường mới nổi đối mặt rủi ro lạm phát gia tăng, trong khi chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Mỹ bắt đầu yếu đi, ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của các nước này.

      Kết thúc tháng 5/2024, đa số các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu đều ở mức cao hơn so với đầu tháng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ cuối tháng 4. Lạm phát trong tầm kiểm soát và tiếp tục đi xuống ở những nước có lạm phát cao như Mỹ và châu Âu trong năm 2023.

      Cùng với đó, những nền kinh tế lớn đang có mức lãi suất cao được dự báo tiếp tục cắt lãi suất trong nửa cuối năm 2024. Câu chuyện bất động sản ở Trung Quốc còn khó khăn, nhưng đã có những giải pháp làm dịu bớt và xuất khẩu của Trung Quốc cũng như nhiều nền kinh tế xuất khẩu chính của châu Á có dấu hiệu khởi sắc.

      Dường như mọi thứ đang trong tầm kiểm soát hoặc khá lên. Và đang có nhận định chủ quan rằng, mọi thứ sẽ tốt lên nhanh chóng. Không nhất định là như vậy. Thật ra, dư địa để cải thiện tiếp có thể đang cạn dần. Đặc biệt, với thị trường mới nổi, câu chuyện đồng nội tệ mất giá so với USD và áp lực lạm phát sẽ đáng được chú ý hơn.

      Nguồn: WSJ, CEIC.  Đồ họa: Thanh Huyền

      Khả năng chi tiêu của đầu tàu tiêu thụ hàng nhập khẩu dần yếu đi

      Từ đầu năm đến nay, trong nhóm các thị trường tiêu thụ lớn của hàng nhập khẩu toàn cầu, kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm và một số nền kinh tế trong khu vực này đi vào suy thoái kỹ thuật. Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc gồng gánh để kéo đơn hàng nhập khẩu của thế giới với sức chi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng này. Điều đó được thúc đẩy phần nào bởi thị trường lao động vẫn tăng trưởng khá tốt của nước này - cao hơn dự kiến của các chuyên gia kinh tế khá nhiều.

      Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu cho thấy, sức chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ khó tăng được nhiều nữa. Số liệu vừa công bố cuối tháng 5/2024 cho thấy, thu nhập của người Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước đó, giảm so với mức tăng trưởng 0,5% trong tháng 3/2024. Chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%, dưới mức kỳ vọng và chậm lại đáng kể từ mức 0,7% trong tháng 3. Nếu điều chỉnh cho lạm phát, thì tiêu dùng và thu nhập khả dụng đều giảm 0,1%.

      Theo báo cáo kinh doanh của một số nhà bán hàng tiêu dùng như Starbucks, dường như hoạt động bán lẻ đang chậm lại. Nhà kinh tế trưởng Scott Anderson của BMO Capital Market lưu ý rằng, tỷ lệ tiết kiệm trong tháng 4 là 3,6%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 12 tháng là 5,2%.

      Nếu kinh tế Mỹ mất đà và tốc độ hồi phục của đơn hàng xuất khẩu chậm lại, thì triển vọng vĩ mô đối với khu vực thị trường mới nổi mấy tháng tiếp theo sẽ không dễ dàng như một số nhà đầu tư nhìn nhận.

      Sức mua của người Mỹ đang bị xói mòn dần do lạm phát, trong khi nợ cá nhân tăng lên và vỡ nợ thẻ tín dụng tăng là bức tranh mà dữ liệu có thể chỉ ra. Nhưng điều đó có đáng lo hay không thì phụ thuộc rất lớn vào một nhân tố khác - thị trường lao động. Miễn là thị trường lao động còn mạnh, thì những sụt giảm này nằm trong dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất duy trì ở mức cao, lạm phát giảm chậm, thì tiêu dùng chậm lại, kinh tế tăng trưởng chậm lại là lẽ dĩ nhiên, miễn sao nằm trong mức chấp nhận được, không gây suy thoái, thì Fed hài lòng.

      Vì vậy, nỗi lo đình lạm với kinh tế Mỹ vẫn có thể là nỗi lo quá xa vời. Nhưng đổi lại, quá lạc quan cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ tiêu dùng vẫn chắc chắn và thị trường lao động vẫn tốt thì có hơi chủ quan. Trong tuần lễ đầu tháng 6, chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn về triển vọng thị trường lao động Mỹ với các số liệu thống kê được công bố. Tuy nhiên, những số liệu về thị trường việc làm thường có độ trễ đáng kể so với số liệu về chi tiêu tiêu dùng. Vì vậy, tín hiệu về chi tiêu dùng của người Mỹ vẫn là đáng quan tâm.

      Những số liệu tiêu dùng kém lạc quan hơn dự kiến cộng với số liệu điều chỉnh GDP quý I/2024 về 1,3% so với ước tính 1,6% trước đó cho thấy, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang yếu dần đi. Trong khi đó, để kích thích tăng trưởng, cần có sự gia tăng đầu tư tư nhân hay chính phủ bù vào. Với thời gian chỉ còn vài tháng nữa là bầu cử Tổng thống, các công ty Mỹ nhiều khả năng sẽ bật chế độ ngồi chờ xem diễn biến hơn là đẩy mạnh đầu tư vào lúc này.

      Tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trở lại, giá cả nhập khẩu gia tăng trên thị trường thương mại toàn cầu

      Sau 2 tháng tăng trưởng sản xuất khả quan, Trung Quốc lại đối mặt với một tháng sụt giảm. Cục Thống kê quốc gia nước này cho biết, Chỉ số Quản lý mua hàng sản xuất chính thức của Trung Quốc - chỉ số quan trọng đầu tiên về đà tăng trưởng của nền kinh tế này (và cũng là một chỉ dấu về sức mạnh chung của đơn hàng với thị trường mới nổi), đã giảm xuống 49,5 trong tháng 5/2024 từ mức 50,4 trong tháng 4.

      Song song đó, USD mạnh lên với đa số đồng tiền khác đã ảnh hưởng đáng kể đến thương mại toàn cầu. Hãng tin Bloomberg nhận xét, “đối với các nền kinh tế mệt mỏi vì lạm phát, đồng nội tệ yếu hơn đã làm tăng chi phí nhập khẩu vào thời điểm giá dầu thô, thực phẩm và hậu cần toàn cầu đang tăng cao. Ngay cả các nhà xuất khẩu thường vui mừng trước triển vọng USD mạnh cũng lại tỏ ra bi quan hơn”.

      Lấy ví dụ, tại Hàn Quốc, nguyên liệu thô nhập khẩu trở nên đắt hơn sau khi won giảm 5% so với đồng bạc xanh trong năm nay. Các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã đưa ra quan ngại rằng, đồng yên ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ sau đó có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng của họ, ngay cả khi thu nhập của họ được hưởng lợi trong ngắn hạn.

      Lạm phát có thể tăng lên ở các nền kinh tế mới nổi

      Hệ quả có thể nhìn thấy trong bối cảnh USD mạnh lên đối với đồng tiền các thị trường mới nổi chính là lạm phát tăng lên, thúc đẩy bởi việc hàng nhập khẩu đắt lên và kỳ vọng lạm phát đi lên khi thấy đồng nội tệ mất giá.

      Nếu kinh tế Mỹ mất đà và tốc độ hồi phục của đơn hàng xuất khẩu chậm lại, thì triển vọng vĩ mô đối với khu vực thị trường mới nổi mấy tháng tiếp theo sẽ không dễ dàng như một số nhà đầu tư nhìn nhận.

      Điều này đặc biệt đáng quan tâm với Việt Nam trong bối cảnh lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,03%. Đây không phải là con số quá cao, nhưng cũng không thể xem là thấp. Cần nhắc lại rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội giao ở mức 4-4,5%. Cùng lúc đó, với số liệu chỉ số USD bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 5,24% do Tổng cục Thống kê công bố, thì sức ép lên tỷ giá và lạm phát những tháng cuối năm là không thể chủ quan.

      Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol (Anh))
      Nguồn: https://baodautu.vn/